Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Cây Bồ công anh Trung Quốc



CÂY BỒ CÔNG ANH TRUNG QUỐC


Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) thì cây Bồ công anh trong tiếng Việt để chỉ ít nhất ba loài thực vật khác nhau, đó là:
1- Cây Bồ công anh Việt Nam (chữ "Việt Nam" mới thêm vào để khỏi nhầm với hai loại cây còn lại), phổ biến ở miền Bắc và bắc Trung bộ.
Cây Bồ công anh Việt Nam còn gọi là Rau bồ cóc, Diếp hoang, Diếp dại, Mót mét, Mũi mác, Diếp trời, Rau mũi cày. Tên khoa học Lactuca indica L. Thuộc Chi Rau diếp (Lactuca),  Họ Cúc (Asteraceae) .

Cây Bồ công anh Việt Nam
2-Cây Bồ công anh Trung Quốc (Chữ “Trung Quốc” thêm vào để tránh bị lầm lẩn) là loại cây Bồ công anh được ghi trong các sách Trung Quốc. Còn gọi là cây Bồ công anh lùn, có tên khoa học Taraxacum officinale F. H. Wigg. Thuộc Chi Chi Taraxacum G. H. Weber ex Wigg.Họ Cúc (Asteraceae).
Cây Bồ công anh Trung Quốc
3-Cây Chỉ thiên, được nhân dân một số vùng ở Miền Nam gọi là Bồ công anh, và dùng như bồ công anh Trung Quốc.
Chỉ thiên hay còn gọi cây Thổi lửa, cỏ Lưỡi mèo, cỏ Lưỡi chó, Co tát nai (dân tộc Thái), Nhả đản (dân tộc Tày), một số thầy lang hay gọi là Tiền hồ nam. Trong các sách Trung dược, cây có tên là "Khổ địa đảm", "Thiên giới thái", "Thổ sài hồ", "Thổ bồ công anh", "Xuy hỏa căn" (rễ Thổi lửa), "Thiết tảo trửu" (cái Chổi sắt) ...
Tên khoa học là  Elephantopus scarber L. họ Cúc (ASTERACEAE)

Cây Chỉ thiên (còn gọi là Bồ công anh) ở Miền Nam
Cả ba loài cây trên đều có tên là cây Bồ công anh, vừa là cây rau, cây thuốc và dùng làm trà.
Do tính dược khác nhau của mỗi loài cây, nhất là các toa thuốc nam trị bệnh có liên quan đến sức khỏe người dùng nên ta cần phải phân biệt rõ ràng đặc điểm thực vật và tính năng dược liệu của ba loài cây này để tránh sự ngộ nhận đáng tiếc xảy ra.

II-CÂY BỒ CÔNG ANH TRUNG QUỐC

Mô hình cây Bồ công anh Trung Quốc

Hoa bồ công anh Trung Quốc

Chùm quả bồ công anh Trung Quốc
-Tên gọi khác: Hoàng địa đinh, nãi chấp thảo
-Tên tiếng Anh: The common dandelion (often simply called "dandelion".
-Tên khoa học: Taraxacum officinale F.H. Wigg
-Tên đồng nghĩa:
Leontodon taraxacum L.
Taraxacum dens-leonis Desf.
Taraxacum retroflexum Lindl.
Taraxacum officinale subsp. vulgare
-Các loài tương cận:
Taraxacum albidum (Bồ công anh hoa trắng Nhật Bản).
Taraxacum californicum (Bồ công anh California- cỏ dại).
Taraxacum japonicum (Bồ công anh lá xoăn Nhật bản).
Taraxacum laevigatum( Bồ công anh hạt đỏ)

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):
Cúc (Asterales)
Họ (familia):
Cúc (Asteraceae)
Chi (genus):
Bồ công anh (Taraxacum)
Loài (species):
Taraxacum officinale

Phân bố

Chi Bồ công anh (Taraxacum) là chi Thực vật có hoa thuộc Họ Cúc (Asteraceae), với ít nhất khoảng 50 loài có nguồn gốc từ các khu vực ôn đới của Bắc Bán cầu trong Cựu Thế giới.
Cây bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale) có nguồn gốc từ đại lục Á-Âu, và ngày nay được trồng khắp Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á), Bắc Mỹ, Nam Phi, Nam Mỹ, New Zealand, Australia, và Ấn Độ. Cây ưa sáng, khí hậu ẩm mát.
Loài này phân bố tập trung ở một số nước quanh Địa Trung Hải. Ở Ấn Độ, ở Malaysia, Philippin…, thường chỉ thấy ở vùng núi cao, có khi lên đến 4500 m. Cây được trồng ở Đức, Pháp, Mỹ, Ấn Độ… để làm rau ăn và để làm thuốc.
Ở Mỹ loài cây này có mặt trong tất cả 50 tiểu bang và hầu hết các tỉnh củaCanada. Loài cây này được xem là loài thực vật xâm lấn gây phiền toái trong các bải cỏ giải trí ở Bắc Mỹ, trong khi đó ở các nước nhiệt đới xem nó là loài cây quý có 3 trong 1: Cây rau, cây thuốc, cây trà.
Ở Việt Nam, cây Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale) chỉ sống được ở vùng có khí hậu lạnh như ở Đà Lạt và Sa Pa. Cây mọc tương đối tập trung thường có nhiệt độ trung bình dưới 200C, lượng mưa từ 1500 đến 2800 mm trong 1 năm. Cây mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám ở vườn, các bãi trống ven đường đi, trên nương rẫy hoặc chân đá vôi. Cây mọc từ hạt xuất hiện rải rác từ cuối mùa xuân đến cuối mùa hè. Mùa hoa quả cũng rải rác trong suốt mùa hè và đầu mùa thu. Sau khi ra hoa quả, cây tàn lụi. Hạt có túm lông nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Vòng đời cây thường kéo dài 3-5 tháng.
Chính loài này mới là Bồ công anh chính hiệu, có giá trị 3 trong 1 (cây rau, cây thuốc, cây trà) như nêu trên.
Người tiêu dùng Việt Nam nên tránh lầm lẩn giữa 3 loài cây có tên gọi là Bồ công anh, nhất là khi dùng làm thảo dược!

Mô tả

Cây thân thảo cao 20-45 cm.
-Thân: Thân rất ngắn, rễ mập, toàn cây có nhũ dịch trắng như sữa.
-Lá:   đơn, mọc chụm ở gốc thành hình hoa thị; phiến lá hình bầu dục thuôn dài, kích thước15-30 x 3-4 cm; phiến lá xẻ thùy lông chim 4-5 đôi đều nhau, đỉnh nhọn, 1-2 cặp thùy gần cuống có khía răng nhọn, phiến lá men dần xuống cuống. Lá màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới; gân lá hình lông chim màu trắng xanh, 4-6 cặp gân phụ nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dẹp, mặt trên phẳng mặt dưới lồi ít, gốc phình ra và mỏng; dài 4-5 cm, rộng 0,5-0,7 cm; màu đỏ tía nhạt, mép cuống màu nhạt hơn. Lá có lông ngắn thưa, màu trắng, mặt trên nhiều hơn mặt dưới.
-Hoa: Cụm hoa là đầu đồng giao, đường kính 3-4 cm, trục cụm hoa dài 14-26 cm, mọc từ nách lá, rỗng bên trong, 1/2 trên và 4 cm phần đáy trục màu đỏ tía nhạt, còn lại màu xanh phớt đỏ, trên trục có ít lông trắng, mảnh, nhiều hơn ở đáy. Tổng bao lá bắc hình chuông gồm 4 vòng lá bắc hình dải hẹp, màu xanh lục, đỉnh màu đỏ tía nhạt: 3 vòng ngoài kích thước 0,8 x 0,15 cm, xòe ra và cong xuống; vòng trong kích thước 1,8 x 0,15 cm.
Hoa không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đài biến đổi thành một vòng lông màu trắng, dài 0,5-0,6 cm, trên lông có nhiều gai nhọn.Cánh hoa 5; ống tràng hẹp màu trắng, cao 0,6 cm, nơi tiếp giáp phiến có lông trắng ngắn, phía trên xòe thành 1 phiến hình lưỡi màu vàng hướng về phía trước, đỉnh phiến có 5 răng tròn, 1/2 đáy phiến có lông trắng ngắn. Những hoa bìa phần giữa phiến có màu hồng nâu nhạt.
 Nhị 5, đều, dài 1,9 mm, đính trên ống tràng xen kẽ cánh hoa, rời ở chỉ nhị, bao phấn dính thành ống bao quanh vòi nhụy. Chỉ nhị dạng sợi mảnh, gốc màu vàng nhạt, phía trên màu trắng. Bao phấn thuôn, mảnh, màu trắng, dài 400 µm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy, đáy có 2 tai dạng sợi choãi ra, đỉnh có phụ bộ hình tam giác cao 125 µm. Hạt phấn hình bầu dục có gai, màu vàng, rời, kích thước 20 µm. Lá noãn 2, bầu dưới 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy. Khoảng 0,15-0,2 cm phía dưới bầu noãn phình to, màu trắng và có 10 sóng dọc, phần trên của chỗ phình có những gai nạc; 0,1-0,15 cm phía trên thuôn hẹp dài, màu trắng xanh, đỉnh hơi loe màu xanh nhạt; 1 vòi nhụy dạng sợi màu vàng nhạt, dài 1 cm, đính ở đỉnh bầu; 2 đầu nhụy dạng sợi màu vàng, dài 0,2 mm, có lông trắng ngắn. Đĩa mật dạng khoen màu vàng nhạt ở đỉnh bầu. 
-Quả: Quả bế, hình bầu dục thuôn hẹp, dài 0,3-0,4 cm, màu nâu đen, có 10 rãnh dọc; khoảng 0,1 cm phía đỉnh có các gai nạc; đỉnh có 1 cọng mảnh màu nâu nhạt (mỏ) dài 1 cm, mang 1 chùm lông màu trắng.

Thành phần hóa học

-Theo tài liệu của Trường Đại học y dược TP Hồ Chí Minh
Toàn cây chứa 0,98% falvonoid toàn phần: lactopicrin, taraxacin, taraxacerin, taraxasterol, cosmossin, homotaraxasterol, luteolin- 7–glucosid, β-sitsterol, stigmasrerol.
Lá và hoa có: 88,8% nước, 0,6% protein, 0,44% sợi, 1,6% phần chiết xuất bằng ether, 2,3% tro, 3,7% cacbonhydrat, 59,1mg/100g photpho, 73 mg/100g vitamin C.
Rễ chứa taraxerol. Ψ-taraxasterol, amyrin, stigmasterol.
Ngoài ra còn chứa nhựa, cao su, glucid, các đường (glucose, fructose, cymarose), acid acetic, vitamin B2. Lá chứa luteolin, violaxanthin, plastoquinon. Hoa chứa arnidol, fla voxanthin, 5-α-stigmast-7-en 3-β-pl, vitamin C, D. Phấn hoa có β-sistosterol, acid folic, vitamin E. Cánh hoa có β-sitosterol, coumesterol, carotene và đa đường.
-Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thành phần dinh dưỡng trong 100 g lá tươi của cây Bồ công anh Trung Quốc như sau:

188 kJ (45 kcal)
9.2 g
0.71 g
3.5 g
0.7 g
0.17 g
2.7 g
85.6 g
Vitamin A equiv.
508 μg (64%)
5854 μg (54%)
- lutein và  zeaxanthin
13610 μg
0.19 mg (17%)
0.26 mg (22%)
0.806 mg (5%)
0.084 mg (2%)
0.251 mg (19%)
Folate (vit. B9)
27 μg (7%)
35.3 mg (7%)
35.0 mg (42%)
0.0 μg (0%)
3.44 mg (23%)
778.4 μg (741%)
187 mg (19%)
3.1 mg (24%)
36 mg (10%)
0.342 mg (16%)
66 mg (9%)
397 mg (8%)
76 mg (5%)
0.41 mg (4%)
Ghi chú (%) theo nhu cầu hàng ngày của người lớn

Công dụng của cây Bồ công anh Trung Quốc

a-Lá cây Bồ công anh Trung Quốc dùng làm rau
Đối với rau bồ công anh Trung Quốc có thể làm rau ăn rất tốt (ăn sống hoặc nấu canh- vì bồ công anh Việt Nam có gai, khó ăn). Đây là loại rau được một số nước như Trung Quốc, Pháp, Mỹ rất ưa chuộng vì kích thích sự thèm ăn, có tác dụng lọc máu, lợi mật (như actisô); phòng một số bệnh về gan, mật.
-Ở Việt Nam lá Bồ công anh Trung Quốc mọc hoang ở Tây nguyên và Sapa được người dân tộc thiểu số dùng như một loại rau rừng để ăn sống và xào nấu.
-Ở Mỹ người bản địa dùng lá cây Bồ công anh làm rau và làm thuốc, trong khi người da trắng xem là loài thực vật xâm lấn khủng khiếp gây hại trên các sân cỏ thể thao của họ và phải tốn nhiều chi phí để hủy diệt.
-Ở Trung Quốc và nhiều nước Châu Á đều dùng lá Bồ công anh Trung Quốc như một loại rau sạch bổ dưỡng và nên thuốc.

Món rau bồ công anh
b-Thân, lá và rể cây Bồ công anh Trung Quốc được phơi, sấy khô dùng thay trà, cà phê
Ở nhiều nước Nam Mỹ dùng những bông hoa Bồ công anh để chế thành rượu vang, lá, thân và rể được phơi sấy khô đun nước uống thay trà hoặc xay nát thành bột để pha chung với cà phê.
Trà túi lọc bồ công anh
c- Các bộ phận của cây Bồ công anh Trung Quốc dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Theo các Y điển của Trung Quốc, v thuốc Bồ công anh còn gọi là Phù công anh (Thiên Kim Phương), Cấu nậu thảo,  Bộc công anh (Đồ Kinh Bản Thảo), Thái nại, Lục anh, Đại đinh thảo, Bột cô anh (Canh Tân Ngọc Sách), Bồ công định, Thiệu kim bảo, Bồ anh, Cổ đính, Thiệu kim bảo, Ba ba đinh, Địa đinh thảo, Bát tri nại, Bạch cổ đinh. Nhĩ bản thảo (Tục Danh), Kim trâm thảo, Kim cổ thảo, Hoàng hoa lang thảo, Mãn địa kim tiền, Bột Bột đinh thái (Hòa Hán Dược Khảo), Hoàng hoa địa đinh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tính vị cây Bồ công anh:
+ Vị ngọt, tính bình, không độc (Tân Tu Bản Thảo).
+ Vị hơi đắng, tính hàn (Đông Viên Dược Tính Phú).
+ Vị ngọt, tính bình, hơi hàn (Bản Thảo Thuật).
+ Vị đắng, ngọt, tính hàn (Dược Tính Công Dụng).
+ Vị ngọt, đắng, tính hàn (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Qui kinh:
+ Vào kinh Can, Vị (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Vào kinh Dương minh Vị và Thái âm Phế (Bản Thảo Giảng Nghĩa Bổ Di).
+ Vào kinh Can, Vị (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Tác dụng của Bồ công anh:
Thanh nhiệt, giải độc, tán sưng tiêu ung [đặc hiệu trị vú sưng đau] (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chủ trị:
+Trị đinh nhọt sưng tấy, tuyến vú viêm, nhiễm trùng đường tiểu, amidal viêm cấp tính (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Liều dùng:
-Bên trong uống 12g  đến 40g. Dùng tươi, gĩa nát đắp vào nơi sưng đau. Bên ngoài dùng tùy ý theo nhu cầu.
Kiêng kỵ:
Không có thấp nhiệt ung độc kỵ dùng. Ung thư thuộc hư hàn âm cấm dùng.
-Ở Việt nam
+Theo Tây y
Trong lịch sử, bồ công anh được đánh giá cao cho một loạt các đặc tính chữa bệnh, và nó có chứa một số lượng lớn các hợp chất có hoạt tính dược. Bồ công anh (Dandelion) được sử dụng như một phương thuốc thảo dược ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Nó đã được sử dụng trong thảo dược. thuốc để điều trị bệnh nhiễm trùng, mật và các vấn đề về gan và như một thuốc lợi tiểu.
Sau đây là một số kết quả nghiên cứu của Tây y về cây Bồ công anh Trung Quốc:
-Tác dụng kháng khuẩn in vitro trên các vi khuẩn Bacillus subtilis,Staphylococcus aureusSalmonellatyphiEscherichia coli với nồng độ đến 25 µg/ml.
-Tác dụng chống nấm in vitro trên Candida albicanCryptococcus neoformans,Trichophyton mentagrophytesMicrosporum canisAspergillus aiger với nồng độ đến 25µg/ml.
-Tác dụng chống amib trên Entamoeba histolytica chủng STH đến nồng độ 125µg/ml.
-Tác dụng chống sán Hymenolepis nana ở chuột cống trắng với liều 250mg/kg.
-Tác dụng chống virut bệnh Ranikhet và virut bệnh đậu bò với nồng độ 0,5mg/ml.
-Tác dụng trên nhịp thở và biên độ hô hấp, tác dụng trên huyết áp của chó bình thường với liều 50mg/kh.
-Tác dụng trên hồi tràng chuột lang cô lập, trên tim chuột lang cô lập và trên tử cung chuột cống trắng cô lập.
-Tác dụng chống ung thư trên tế bào ung thư biểu mô mũi-thanh quản người in vitro; trên tế bào ung thư bạch cầu dòng lympho, tế bào sarcom 180 và tế bào gây u gan ở chuột nhắt trắng.
Công dụng dược liệu:
-Toàn cây Bồ công anh thấp chữa sưng vú, viêm tuyến vú, ít sữa, tiểu tiện khó, nhiễm khuẩn tiết niệu, mụn nhọt, sưng tấy, lở ngứa ngoài da. Ở Trung Quốc còn dùng chữa đau mắt, tiêu hoá kém, rắn cắn.
-Ở Pháp, Bồ công anh thấp chữa rất nhiều loại bệnh khác nhau như các bệnh gan mật (viêm ống mật mãn tính, viêm gan, xung huyết gan, suy gan, vàng da, sỏi mật); các bệnh đường tiêu hoá (rối loạn tiêu hoá, kém ăn, viêm ruột kết, táo bón, trĩ); Sỏi thận, tiểu tiện khó, suy thận, tăng cholesterol-huyết, xơ vữa động mạch, béo phì; các bệnh ngoài da (mụn nhọt, chảy máu mủ, mụn cóc, eczema, trứng cá, nấm); thấp khớp, thống phong, thiếu máu, suy nhược.
-Ở Bungari, cây còn dùng để chữa hen phế quản, thống kinh, mất kinh, xơ gan, loét dạ dày, phù, đái tháo đường, viêm bàng quang, bể thận.
-Khả năng điều trị ung thư máu!
Theo nghiên cứu của Đại học WindsorCanada, chất chiết xuất từ rễ cỏ bồ công anh có thể khiến các tế bào ung thư máu "tự chết". Sau khi phát hiện hai bệnh nhân ung thư máu không thể điều trị bằng liệu pháp hóa trị đã khỏe lên sau một thời gian uống trà cỏ bồ công anh (Taraxacum officinale), các nhà nghiên cứu đã thử chiết xuất và thử nghiệm chất từ rễ loài thảo dược này đối với những tế bào ung thư bạch cầu.
Công trình thử nghiệm đã rất thành công khi các tế bào ung thư bạch cầu "tự chết" trong vòng 24 giờ, trong khi các tế bào bình thường không bị ảnh hưởng. Phát hiện mới của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Windsor có thể giúp các bệnh nhân ung thư, bị kháng các loại thuốc hóa trị, có thêm cơ hội điều trị bằng các loại thảo dược không độc hại. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục mở rộng chương trình với hy vọng sớm bào chế được một loại thuốc mới điều trị bệnh ung thư máu.
Nguồn: odili.net
-Cảnh báo độc hại
Phấn hoa bồ công anh có thể gây ra phản ứng dị ứng khi ăn, hoặc phản ứng da bất lợi ở những người nhạy cảm. Liên hệ đến viêm da sau khi xử lý cũng đã được báo cáo, có lẽ từ mủ cao su trong thân và lá.
Do độ kali cao, Bồ công anh cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng kali máu khi dùng cùng với kali sparingdiuretics.
Việc tiêu thụ lá bồ công anh cũng đã được báo cáo liên quan đến sự xuất hiện của bệnh sán lá gan lớn.

Các bài thuốc từ cây Bồ công anh Trung Quốc

1-Trị gai đâm hoặc bị nhằm nước đái của con cáo làm cho thịt sưng phù:Bồ công anh gĩa nát lấy nước cốt bôi vào nhiều lần thì khỏi (Đồ Kinh phương).
2-Trị sản hậu không cho con bú, sữa tích lại làm cho vú căng, sưng: Bồ công anh gĩa nát, đắp lên đó, ngày 3 đến 4 lần (Mai Sư phương).
3-Làm cho răng cứng, mạnh gân xương, sinh được thận thủy, tuổi chưa đến 80 có tác dụng làm đen râu tóc, tuổi trẻ uống gìa không yếu: Bồ công anh 1 cân, loại này thường sống ở trong vườn, nó có vào giữa tháng 3  tháng 4, sang mùa thu thì nở hoa, khi ấy cắt cả gốc lá, thân cây, 1 cân rửa sạch đem phơi âm can, không được phơi nắng, bỏ vào thùng đậy kín. Lấy 40g  muối, 20g  Hương phụ tử, tán bột rồi cho Bồ công anh vào đó ngâm 1 đêm, hôm sau chia làm 20 nắm, rồi dùng giấy bao 3-4 lớp thật chặt. Lấy phân giun đất buộc thật chặt cho vào lò sấy khô, dùng lửa nướng cho hồng lên là đủ. Xong đem ra bỏ phân giun đất đi rồi tán nhỏ, cứ sức vào răng vào buổi sáng, tối, nhổ cũng được, nuốt cũng được, làm lâu mới hiệu nghiệm (Hoàn Thiếu Đơn  - Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm phương).
4-Trị vú sưng đỏ: Bồ công anh 40g, Nhẫn đông đằng 80g, gĩa nát. Sắc với  2 chén nước còn 1 chén, uống trước bữa ăn (Tích Đức Đường phương).
5-Trị cam sang, đinh nhọt: Bồ công anh gĩa nát, lấy riêng một ít vắt nước trộn rượu sắc uống cho ra mồ hôi (Chứng Loại Bản Thảo).
6-Trị lở loét lâu ngày không khỏi, ong châm, rắn cắn, bọ cạp cắn: Bồ công anh gĩa nát,  đắp vào vết thương (Cấp Cứu phương).
7-Trị tuyến sữa viêm cấp tính: Bồ công anh 32g, Qua lâu, Liên kiều mỗi thứ 20g, Bạch chỉ 12g, sắc uống. Bên ngoài dùng Bồ công anh tươi gĩa nát đắp (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
8-Trị ung độc sưng tấy cấp tính: Bồ công anh 20g  đến 40g, sắc uống (Bồ Công Anh Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
9-Trị đinh nhọt, sưng độc phát sốt, lở loét ngoài da, đỏ mắt do phong hỏa: Bồ công anh 20g , Dã cúc hoa, Kim ngân hoa mỗi thứ 12g, Cam thảo sống 1,20g. Sắc uống.
10-Trị viêm ruột thừa chưa vỡ mủ: Bồ công anh 12g, Tử hoa địa đinh 20g, Mã xỉ hiện 40g, Hoàng cầm, Đơn sâm mỗi thứ 12g  sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
11-Trị kết mạc viêm cấp tính, mắt đỏ sưng đau [do Can hỏa bốc lên]: Bồ công anh (tươi) 80g , Chi tử 7 trái, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
12-Trị đường tiểu viêm, bàng quang viêm, tiêu hóa kém, căng đau vùng dạ dầy:
Bồ công anh 40g, Quất bì 24g, Sa nhân 12g, Tán bột. Mỗi  lần uống 1-2g, ngày 3 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
13-Trị các chứng sưng vú, thiếu sữa: Bồ công anh, Hạ khô thảo, Bối mẫu. Liên kiều, Bạch chỉ, Qua lâu căn, Quất diệp, Cam thảo, Đầu cấu, (gầu trên đầu). Hùng thử phẩn (phân chuột đực). Sơn đậu căn, Sơn từ cô, sắc uống làm viên tùy theo bệnh để làm quân, thần, tá, sứ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tài liệu cần đọc thêm
                                                                   Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
5- http://hodinhhai.blogspot.com/2012/12/cay-bo-cong-anh-viet-nam.html

Xem Video: Trồng cây bồ công anh ở Tây nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét